Những Ki Tô Hữu đã chịu Phép Rửa Tội thì đương nhiên là những con cái của Giáo Hội nhưng những người ngoài Ki Tô Giáo chưa lãnh nhận Tin Mừng, nhờ vào nhiều phương cách khác nhau cũng có liên quan đến đoàn thể Dân Chúa “ Vả lại những người ngoài Ki Tô Giáo kia nếu không là lỗi ở chính mình mà không nhận biết Tin Mừng của Đức Ki Tô và Giáo Hội của Ngài nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm, nhờ vào ơn Chúa soi sáng thực hành Thánh Ý TC, họ cũng có thể được sự sống đời đời. LG 16” ( nguồn: Dòng Thừa Sai Đức Tin – Tỉnh Dòng VN – 21/11/2002 – Rev Joseph Trương Văn Phúc ).
Qua trích đoạn này cho thấy có hai vấn đề nghiêm trọng. Trước hết cho rằng những Ki Tô Hữu đã chịu Phép Rửa Tội thì đã đương nhiên là con cái của Giáo Hội. Điều này không đúng. Bởi lẽ không phải hễ cứ ai chịu Phép Rửa thì đã là Ki Tô Hữu tức kẻ …mang ( Tin )Đức Ki Tô ( Christophores ): “ Vì kẻ bề ngoài là người Do Thái thì không phải là người Do Thái. Cắt bì bề ngoài chẳng phải là cắt bì. Duy kẻ bề trong là Do Thái mới là người Do Thái. Còn sự cắt bì thật thì thuộc trong lòng, ở nơi tâm linh chớ chẳng phải nơi văn tự” ( Rm 2, 28 -29 ).
Lại nữa cũng không phải cứ Rửa Tội thì đã đương nhiên là con cái Giáo Hội Công Giáo. Người Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo… họ cũng chịu Phép Rửa ( của họ ) nhưng có phải là con cái Giáo Hội Công Giáo đâu ?
Tiếp đến, nói rằng những người ngoài Ki Tô giáo ( Lẽ ra phải nói…ngoài GHCG ) mà không nhận biết Tin Mừng của Đức Ki Tô nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm, thực hành Thánh Ý Thiên Chúa cũng được Cứu Độ. Đây lại là một điều …không đúng nữa. Tại sao ? Bởi như thế thì Giáo Hội ( CG ) đâu có cần chi phải thi hành mệnh lệnh của Chúa Ki Tô Phục Sinh “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Ai không tin thì bị luận phạt” ( Mc 16, 15 ).
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Thế nhưng việc truyền giáo ấy thật sự đâu còn cần thiết một khi người ta chỉ cần làm theo sự chỉ dẫn của lương tâm cũng được Cứu Độ ? Chính bởi người Công Giáo trong bấy lâu nay vẫn rất mực tin vào chân lý “ Ngoài Hội Thánh không có Ơn Cứu Độ” ( Ai không thông công cùng HT ấy thì không được rỗi linh hồn – Kinh Nghĩa Đức Tin ) mới hết lòng tin tưởng vào Giáo Hội đồng thời nỗ lực rao truyền chân lý cho dân ngoại. Nhưng giờ đây với tuyên ngôn “ Ngoài HT vẫn có Ơn Cứu Độ” thì người Công Giáo làm sao lại không hoang mang và không biết mình phải tin điều chi nữa. Chẳng những đạo nào cũng như đạo nào mà ngay cả những người chối đạo ( vô thần ) cũng vậy thôi !!!
Công Đồng Vatican II với chủ trương Đại Kết chẳng qua là muốn…mở rộng Ơn Cứu Độ hòng lôi kéo những người còn ở …bên ngoài Giáo Hội nhưng mục đích ấy đã tỏ ra thất bại hoàn toàn. Trong câu hỏi ( Số 23 ) ký giả người Ý, Vittorio Messore đã đặt vấn đề với ĐGH Gioan Phao Lô II: “ Nếu người ta tổng kết những thập kỷ hậu Công Đồng. Những cánh cửa được Công Đồng mở rộng ra đã góp phần đẩy xa khỏi Giáo Hội những người đã “ ở trong” hơn là đem lại gần Giáo Hội những người còn “ ở ngoài”. Ngày nay một số người không do dự kéo chuông…báo tử, khi nhận thấy rằng trong Giáo Hội sự bền vững và kỷ cương trong đức tin đã mất đi sức mạnh của chúng và bị đe dọa bởi những quan niệm thần học bất chấp giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội” ( ĐGH Gioan Phao Lô II – Bước Vào Hy Vọng ).
Nguyên nhân sâu xa khiến Giáo Hội bị đe dọa bởi khuynh hướng ly tâm đó chính là vì đã bỏ mất đi nguyên tắc “ Ngoài Hội Thánh không có Ơn Cứu Độ”. Thật vậy nếu ngoài HT CG cũng có Ơn Cứu Độ thì nào có cần chi tới HT ấy nữa.Nói cách khác, sự hiện hữu của HT CG trong bấy lâu nay ở nơi trần gian chỉ là vô nghĩa !!! Đang khi đó sự thật hoàn toàn không phải như thế nếu chúng ta nhìn nhận HT Công Giáo Tông Truyền như là một Dân Riêng Thiên Chúa.
HT Công Giáo đúng là Dân Riêng và Dân Riêng ấy chính Thiên Chúa đã thiết lập với tổ phụ Apraham bằng một Giao Ước “ Vả Đức Giê hova có phán cùng tổ phụ Ap ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Đức Chúa hứa cho Apraham thành tổ phụ của một…dân lớn tức Dân Riêng Thiên Chúa. Thế nhưng nếu chúng ta hiểu Dân Riêng Thiên Chúa ấy chỉ là dân Do Thái ( Itsraen ) thì không đúng. Tại sao ? Bởi vì dân Do Thái xưa kia cũng như hiện nay vẫn chỉ là một đất nước nhỏ bé chưa đầy mười triệu cư dân. Vậy làm sao có thể gọi là …dân lớn được ?
Mặt khác cùng với Lời Hứa …cho làm tổ phụ dân lớn đó là sẽ…chỉ cho một XỨ sẽ đến. XỨ …sẽ đến ấy được gọi là Đất Hứa và người Do Thái cho đến nay vẫn tin là miền Canaan . Thế nhưng miền đất Canaan từ ngàn xưa đến nay vẫn chỉ là một thứ…đất dữ chưa một ngày sống trong an bình !!!.
Đức Chúa Giê hova không bao giờ hứa mà không thực hiện nếu chúng ta nhận ra rằng Apraham chính là tổ phụ của đức tin “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin. Kẻ ấy là con cái của Apra ham. Kinh Thánh cũng thấy trước rằng ĐCT sẽ xưng dân ngoại là công chính bởi đức tin nên trước đã có lời hứa cho Apraham: Muôn dân đều sẽ nhờ ngươi mà được phước. Ấy vậy ai có đức tin thì người ấy được phước với người tin là Apraham” ( Gl 3, 7 -9 ).
Apraham là tổ phụ của đức tin và đây chính là đức tin vào lời hứa sẽ cho vào nơi Đất Hứa. Mặc dầu vậy Đất Hứa ấy không phải là miền Canaan tại Trung Đông hiện nay nhưng là Cơ Nghiệp Đời Đời do cái chết của Chúa Giê Su Ki Tô mang lại “ Nhân cớ đó Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới hầu cho như đã có sự chết cứu chuộc các sự quá phạm dưới Giao Ước thứ nhất thì những kẻ được kêu gọi có thể nhận lãnh được cơ nghiệp đời đời đã hứa” ( Dt 9, 15 ).
Cơ nghiệp đời đời ấy chính là Nước Thiên Đàng hay còn gọi là Nhà Cha mà Đức Ki Tô đã hứa ban cho những kẻ tin và yêu thương Ngài: “ Lòng các ngươi chớ bối rối. Đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại đón tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).
Tin có Nước Thiên Đàng do Chúa hứa ban và đây cũng chính là niềm hy vọng của người Công Giáo “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).
Hy vọng vào điều chưa thấy có nghĩa con người không thể nhận biết ( Thấy ) Thiên Đàng bằng giác quan hay bằng lý luận suy tư nhưng chỉ bằng đức tin thôi. Tuy nhiên đức tin ấy làm sao có thể có nếu không sống trong Giáo Hội Công Giáo cũng chính là kho tàng của đức tin ?
Nói Giáo Hội là kho tàng của đức tin là điều rất đúng. Bởi chỉ trong Giáo Hội Công Giáo mới có các Bí Tích. Được gọi là Bí Tích bởi đó là những dấu hiệu bề ngoài do Chúa thiết lập hầu đem lại ơn ích bề trong cho những kẻ tin. Do đó để lãnh nhận các Bí Tích thì phải có lòng tin. Nếu không tin thì Bí Tích trở nên vô hiệu.
Tin và lãnh nhận các Bí Tích đó là dấu chứng của người Công Giáo và cũng do nơi dấu chứng ấy chúng ta mới có thể thể hiện lương tâm chân thật của mình. Đành rằng lương tâm là cái sẵn có do Thiên Chúa phú bẩm ở nơi mỗi người dù có hay không có tôn giáo. Thế nhưng làm sao để thể hiện được lương tâm ấy ra bằng việc làm đó mới là…vấn đề !
Nhận ra như thế để thấy rằng con người không thể dựa vào lương tâm hòng tìm kiếm và nhận biết Thiên Chúa. Bất cứ ai cũng có thể nói mình làm theo…lương tâm nhưng thật sự đâu có chi là …lương tâm mà rất nhiều khi chỉ là do …ma đưa lối, quỷ dẫn đường đó thôi ?
Trong việc tìm kiếm một Đấng Thiên Chúa chân thật thì Giáo Hội Công Giáo hiểu như là Dân Riêng Thiên Chúa đóng giữ một vai trò vố cùng quan hệ không thể thiếu. Vai trò ấy đã được Đức Ki Tô trao cho Giáo Hội của Người với đầy đủ năng quyền cần thiết với mục đích để thực hiện Con Đường Về Với Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Một khi Đức Ki Tô đã minh định mình là con đường duy nhất về với Cha như thế thì điều đó có nghĩa không thể có bất cứ một thứ triết học hay tôn giáo nào khác có thể đến tức gặp gỡ được với Đấng Thiên Chúa là Cha được.
Tuy nhiên có một câu hỏi cần thiết không thể không được đặt ra đó là mục đích việc…gặp gỡ với Đấng Cha ấy để làm gì ? Bao lâu chưa trả lời được câu hỏi này thì Giáo Hội vẫn còn trong khủng hoảng. Lý do không thể trả lời đó là vì từ lâu đã lầm lẫn tôn giáo tức việc thực hiện tâm linh với suy tư triết học ( thần học ). Triết học chỉ đặt vấn đề nhưng không thể giải quyết được vấn đề sống và chết của con người.
Vấn đề sống và chết ở đây chính là làm sao để có thể Làm Hòa được với Đấng Thiên Chúa là Cha ở nơi mình “ Mọi sự đều ra từ ĐCT. Ngài đã nhờ Đức Ki Tô mà khiến chúng ta Hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi phận sự giải hòa” ( 2C 5, 18 ).
Có …hòa được với Đấng ở nơi mình thì mới có thể …hòa được với người. Ngày nay hơn bao giờ hết, sự bất hòa giữa người với người. Giữa con người với thiên nhiên đang ở mức báo động và như thế nếu không nhận thức để tìm cách …làm hòa lại với Thiên Chúa và với nhau thì cái họa diệt vong cho cả nhân loại sẽ không cách chi tránh khỏi “ Thuận Thiên giả tồn. Nghịch Thiên giả vong” ( Kinh Dịch )./.
Phùng Văn Hóa
Ý kiến bạn đọc