PHẦN I:
Chỉ dẫn:
“Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ” (x. QCTQ số 47) [1].
Vài điểm lưu ý:
– Bàn thờ được phủ ít là một khăn trắng. Trên hoặc gần bàn thờ phải đặt hai, bốn hoặc sáu cây nến, nhất là thánh lễ Chúa nhật hoặc lễ trọng, nhưng khi Giám mục giáo phận cử hành thì đặt bảy cây nến. (x. QCTQ 117).
Chỉ dẫn:
“Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên”. (QCTQ 47)
Vài điểm lưu ý:
– Những bản văn của ca nhập lễ được ghi trong Sách Lễ Roma phần nhiều được trích từ các thánh vịnh. Chúng có thể được thay bằng những bài thánh ca khác thích hợp với buổi cử hành phụng vụ, nhưng cần được Đấng Bản Quyền chuẩn nhận (x. QCTQ 48).
– Cần lưu ý về giai điệu vững chắc và được biết đến, hoặc ít là dễ hát nếu là bài hát mới. Một bài nhập lễ hát quá nhanh hoặc “giật gân” không thể hợp nhất cộng đoàn và hướng tâm hồn mọi người vào buổi cử hành. Do đó, cần phải đặc biệt chú ý đến tính cộng đoàn của ca nhập lễ. Tuy nhiên, khi hát ca nhập lễ, có thể luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc trong trường hợp ngoại lệ, ca đoàn có thể hát thay cho cộng đoàn, hoặc nếu không hát được thì một vài người đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách Lễ, hoặc chính linh mục có thể thích ứng nói vài lời nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của người tham dự (x. QCTQ 31).
– Ca nhập lễ có mối liên hệ với mầu nhiệm vượt qua được cử hành, hoặc với mùa phụng vụ. Bản văn cũng có thể được chọn trong mối liên hệ với các bài đọc trong thánh lễ. Bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ là gợi ý tốt cho việc chọn bài hát ca nhập lễ.
– Cần thích nghi khi ca nhập lễ, có thể lặp lại phiên khúc hoặc điệp ca nhiều lần, cho tới khi đoàn rước kết thúc và linh mục đã về ghế chủ tế.
Chỉ dẫn:
“Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ. Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế, hoặc một thừa tác viên giáo dân, có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy.” (x. QCTQ 50)
Vài điểm lưu ý:
– Một dấu thánh giá rất đẹp được linh mục và tất cả cộng đoàn làm một cách chậm rãi, cung kính. Việc làm này biểu lộ cộng đoàn dân Chúa tụ họp nhân danh Chúa Ba Ngôi.
– Một diễn tiến được thực hiện theo thứ tự: dấu thánh giá, lời chào của linh mục chủ tế và cộng đoàn đáp lại, vài lời ngắn gọn để dẫn vào thánh lễ.
– Lời chào trong buổi phụng vụ luôn dưới hình thức của một cuộc đối thoại: chủ sự và cộng đoàn. Nó vừa thể hiện sự hiện diện của Chúa Kitô trong buổi cử hành, và cũng vừa thể hiện mầu nhiệm của Hội Thánh qua lời đáp của cộng đoàn.
– Nếu là một thừa tác viên không chức thánh, hoặc một giáo dân đọc vài lời dẫn vào thánh lễ thì các lời này được đọc sau lời chào của chủ tế; và sau đó, chủ tế nói vài lời ngắn để mời gọi cộng đoàn phụng vụ chuẩn bị sám hối như đã được ghi trong Sách Lễ hoặc vài lời tương tự.
– Nếu linh mục chủ tế không quen biết cộng đoàn phụng vụ hoặc ngược lại, điều có thể làm đó là, sau lời chào, một người đại diện giới thiệu ngài với cộng đoàn để người tham dự khỏi thắc mắc: “Cha nào vậy?”, lo ra trong suốt thánh lễ.
– Để lời chào cộng đoàn và lời dẫn vào thánh lễ được tốt đẹp, cần viết ra giấy hoặc sử dụng công thức có sẵn trong Sách Lễ Roma.
Chỉ dẫn:
“Linh mục mời mọi người cử hành sám hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung, và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích sám hối.” (x. QCTQ 51).
Vài điểm lưu ý:
Có bốn hình thức sám hối được Sách Lễ đề nghị:
– Nếu sử dụng hình thức (1) và (2) thì sau câu kết thúc của linh mục, thì đọc kinh “xin Chúa thương xót…”, kinh này có thể đọc đối đáp giữa ca đoàn với cộng đoàn.
– Trong mọi hình thức, linh mục đọc câu mời gọi và câu kết thúc.
– Sách Lễ không chỉ định làm dấu thánh giá khi linh mục đọc câu kết “xin Thiên Chúa toàn năng thương xót…”, vì nghi thức sám hối này chỉ là á bí tích, không thể thay thế cho bí tích giải tội, và câu kết này không phải là công thức giải tội.
Chỉ dẫn:
“Kinh ‘xin Chúa thương xót…’ là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa” (x. QCTQ 52).
Vài điểm lưu ý:
– Theo chỉ dẫn của QCTQ Sách Lễ Roma, kinh “xin Chúa thương xót…” trước tiên là một lời ca tụng tiếp đến mới là một lời kêu cầu. Vì thế, trong hình thức sám hối (1) và (2) không có lời ca tụng, nên phụng vụ yêu cầu phải hát “Kyrie” liền sau phần chuẩn bị sám hối.
– Sách Lễ giữ lại tiếng hy lạp “Kyrie” để hát trong phụng vụ nhằm gợi nhớ rằng tiếng hy lạp là tiếng mẹ đẻ của Hội Thánh; các lời hát cũng không quá khó hiểu cũng như tiếng Amen hoặc Alléluia trong tiếng do thái.
Chỉ dẫn:
“Kinh Vinh danh là một thánh thi có từ rất lâu đời và đáng kính mà Hội Thánh,được Chúa Thánh Thần đoàn tụ, dùng để tôn vinh Chúa Cha và Con Chiên và cầu khẩn với Con Chiên. Không được thay thế bản văn của thánh thi này bằng bản văn nào khác”. (x. QCTQ 53).
Vài điểm lưu ý:
Kinh Gloria (Vinh Danh Thiên Chúa), cũng như phần đầu của kinh Te Deum, là một thánh thi có từ thế kỷ thứ II. Như thế, kinh Gloria và Te Deum đã được các tín hữu hát từ 19 thế kỷ qua trong tâm tình tôn thờ và kính trọng. Do đó:
Chỉ dẫn:
“Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước Thánh Nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện thường mệnh danh là lời “tổng nguyện”, là lời nguyện nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời tổng nguyện thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần[4], và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi”. (x. QCTQ 54).
Vài điểm lưu ý:
– Linh mục mời gọi cộng đoàn phụng vụ: ngài hướng về cộng đoàn và nói với họ: “chúng ta dâng lời cầu nguyện”. Thế nhưng, lời cầu nguyện chủ sự đọc lên không nói với cộng đoàn, nhưng nói với Thiên Chúa nhân danh cộng đoàn.
– Sau lời mời gọi, linh mục giữ thinh lặng trong giây lát. Sự thinh lặng này không phải là tùy ý, nhưng luật phụng vụ phải thinh lặng và xem thinh lặng là thành phần của việc cử hành (x. QCTQ 45). Ý nghĩa việc giữ thinh lặng trong lúc này là để mọi người dâng ý nguyện riêng của mình, hiệp với lời cầu nguyện của Hội Thánh mà linh mục sẽ đọc cách long trọng dâng lên Thiên Chúa. Vì thế mà lời nguyện nhập lễ này còn được gọi là lời Tổng Nguyện (Collecta).
– Nội dung của lời nguyện này vừa nhắc tới mầu nhiệm đang cử hành “hôm nay”, vừa trình bày cho Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, những ước muốn thường xuyên của Hội Thánh.
– Cần lưu ý cách phát âm khi đọc lời nguyện này, vì nội dung quá phong phú của nó vừa ca tụng, vừa van xin… theo tinh thần phụng vụ được cử hành. Cần tránh cách đọc quá nhanh, nếu được thì có thể hát theo cung giọng được phụng vụ cho phép.
– Linh mục chắp tay khi đọc câu kết dài mang tính Ba Ngôi[5] (GM 136)[6].
– Trong thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất (x. QCTQ 54). Do đó, cần phải dựa theo chỉ dẫn của QCTQ số 363 để chọn lời tổng nguyện phù hợp với thánh lễ đang cử hành.
“Trong bất cứ Thánh lễ nào, phải đọc các lời nguyện riêng của Thánh lễ đó, trừ phi quy định cách khác.
Trong các lễ nhớ các thánh thì đọc lời nguyện nhập lễ riêng của thánh kính nhớ, nếu không có, thì lấy trong phần Chung các thánh.
Vào những ngày trong tuần mùa Thường niên, thì ngoài những lời nguyện của Chúa nhật đầu tuần, còn có thể lấy các lời nguyện của một Chúa nhật khác thuộc mùa Thường niên, hoặc một trong các lời nguyện của các lễ cho các nhu cầu khác nhau, có ghi trong Sách Lễ. Nhưng luôn chỉ được phép dùng một lời nguyện nhập lễ lấy từ các lễ đó mà thôi.
Như thế, chúng ta có nhiều bản văn hơn ngõ hầu giúp nuôi dưỡng kinh nguyện của các Kitô hữu cách dồi dào hơn.
Nhưng trong các mùa phụng vụ quan trọng hơn, việc thích ứng này đã được thực hiện nhờ những lời nguyện riêng cho mỗi ngày trong tuần sẵn có trong Sách Lễ”.
Tác giả bài viết: Lm.Giuse Nguyễn Ngọc Ngà - GPCT
Ý kiến bạn đọc